Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản thừa kế

27Th3

Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản thừa kế

Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế chi tiết được trình bày cụ thể các bước như sau:

Bước 1: Làm thủ tục khai tử

Sau khi người có tài sản chết, những người có quyền lợi liên quan cần phải làm thủ tục khai tử tại UBND xã (phường) nơi người chết cư trú cuối cùng.

Bước 2: Những người thừa kế thực hiện thỏa thuận phân chia di sản hoặc lập văn bản khai nhận di sản thừa kế

– Nếu người chết để lại di chúc: thì những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể thỏa thuận để lại tài sản theo đúng nguyện vọng của người chết đã nêu trong di chúc

– Nếu người chết không để lại di chúc: Những người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau nên nếu muốn để lại tài sản cho mình thì những người còn lại nên lập văn bản từ chối nhận di sản.

Nơi thực hiện: Văn phòng Công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người chết tại thời điểm tiến hành mở thừa kế. Nếu người có văn bản từ chối nhận di sản rồi thì có thể không đến.

Nguồn: ảnh internet

Bước 3: Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

Khi làm thủ tục khai nhận bắt buộc phải có những người nhận thừa kế có mặt ký tên, trường hợp người nào vắng mặt thì phải có giấy ủy quyền cho người khác hoặc những người còn lại.

Hồ sơ cần chuẩn bị quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 57 Luật Công chứng 2014 như sau:

– Các giấy tờ liên quan quyền sở hữu di sản của người mất (Giấy CNQSDĐ chẳng hạn)

– Giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế (CMND, hộ khẩu)

– Giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản (khai sinh)

Bước 3: Niêm yết Văn bản khai nhận di sản

Văn phòng công chứng hoặc UBND xã (Phường) thực hiện niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận về di sản thừa kế tại UBND xã (phường) nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản

Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản

Thời gian niêm yết: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết

Bước 4: Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất:

Sau khi công chứng và niêm yết văn bản thỏa thuận về di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận thừa kế. Người có quyền lợi về tài sản thực hiện nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký sang tên trên Giấy chứng nhận cho mình.

– Hồ sơ gồm: Bản chính văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng; sổ đỏ; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân, giấy chứng tử…).

Văn phòng đăng ký nhà đất sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận.

Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà cho chủ sở hữu.

Thẩm quyền: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất

Lưu ý: Trong trường hợp một trong các bên liên quan không thống nhất được việc phân chia di sản thừa kế thì một trong các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu chia thừa kế theo quy định pháp luật.

Luật sư. Ths Nguyễn Thị Tươi

Công ty Luật TNHH Ali Law & Cộng sự

#disanthuake #dichuc #khainhandisanthuake #luatsubacninh #luatsubacgiang #luatsuhanoi #luatsuthuake

#Luatsutuvan #Luatsualilaw

 

 

zalo
facebook