Có được lập di chúc chung của vợ chồng không?
Trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 có quy định cụ thể cho phép vợ chồng lập di chúc chung cụ thể như sau:
“ Điều 663. Di chúc chung của vợ, chồng
Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.”
“Điều 668. Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng
Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.”
Tuy nhiên, đến Bộ luật Dân sự 2015 không còn đề cập đến quy định về lập di chúc chung của vợ chồng mà quy định về việc lập di chúc như sau, căn cứ Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015:
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Nhưng hiện nay pháp luật về dân sự không có quy định nào cấm vợ chồng lập di chúc chung. Do đó, vợ và chồng vẫn có quyền lập di chúc chung hay riêng tuỳ thuộc vào ý chí của vợ hoặc chồng, Bản di chúc này vẫn có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn các điều kiện tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.
Có thể sửa đổi di chúc chung của vợ chồng không?
Theo Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc, nhưng không đề cập cụ thể đến trường hợp di chúc chung của vợ chồng, cụ thể như sau:
“Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
- Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
- Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
- Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”
Theo đó, trường hợp vợ hoặc chồng lập di chúc chung đã chết, người còn sống vẫn có thể sửa đổi di chúc đó. Tuy nhiên, người này chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình mà không có quyền thay đổi phần di chúc cũng người đã chết.
Thời điểm phát sinh hiệu lực di chúc chung của vợ chồng
Bộ luật Dân sự 2005 quy định di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.
Tuy nhiên, đến Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.”
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, căn cứ khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, hiện nay pháp luật quy định di chúc chung của vợ chồng sẽ có hiệu lực một phần khi một trong hai bên mất. Phần di chúc có hiệu lực là phần di chúc liên quan đến di sản của người đã chết. Còn phần di chúc còn lại chưa phát sinh hiệu lực. Trường hợp cả hai cùng chết, di chúc sẽ có hiệu lực toàn bộ.