NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT CỦA LUẬT ĐỐI THOẠI, HÒA GIẢI TẠI TÒA ÁN.

luật hòa giải đối thoại tại tòa
31Th3

NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT CỦA LUẬT ĐỐI THOẠI, HÒA GIẢI TẠI TÒA ÁN.

Ngày 16/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Luật này có hiệu lực sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 Chương và 42 Điều, sau đây là một số điểm nổi bật và nội dung quan trọng của Luật này.

Phạm vi điều chỉnh:

– Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

– Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện sau khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu nhưng trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

– Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.

luật hòa giải đối thoại tại tòa

Hình ảnh: internet

Các trường hợp không thể tiến hành hòa giải

Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu rõ có 07 trường hợp sẽ không thể tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

– Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

– Những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

– Người khởi kiện, bị kiện… đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng;

– Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại;

– Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Việc quy định như trên vừa phù hợp với tính chất hòa giải, đối thoại vừa phù hợp với Điều 206, Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 135 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 3 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án)

– Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một thủ tục tiền tố tụng, không phải là thủ tục bắt buộc, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nếu đồng ý thì thực hiện việc hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại, không đồng ý thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính

– Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên luôn luôn phải tôn trọng sự tự nguyện của đương sự, các nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; tuyệt đối không được đe dọa, ép buộc, các thỏa thuận phải thống nhất.

– Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại

– Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác

– Hòa giải viên phải giải thích, hướng dẫn và bảo đảm các thỏa thuận, thống nhất của các bên không vi phạm những quy định đó.

– Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định của Luật.

– Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại. Hòa giải viên có quyền và nghĩa vụ từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, trừ trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại đồng ý bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật.

– Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải; Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

– Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

– Về thời điểm hòa giải: Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại ở thời điểm nào mà mình thấy thích hợp, không bắt buộc phải thu thập đầy đủ chứng cứ mới hòa giải; tùy theo mỗi vụ việc cụ thể, Hòa giải viên sẽ xác định thời điểm tiến hành hòa giải, có thể tiến hành trong giờ làm việc hoặc ngoài giờ làm việc, quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các bên có thể tham gia hòa giải, đối thoại.

– Về địa điểm tiến hành hòa giải, có thể tiến hành hòa giải, đối thoại tại phòng hòa giải hoặc ở địa điểm khác mà các bên đã thống nhất, Hòa giải viên tôn trọng sự thống nhất về việc chọn lựa địa điểm hòa giải của các bên.

– Về phương pháp hòa giải, trong suốt quá trình hòa giải, Hòa giải viên được phép linh hoạt trong việc thực hiện các hoạt động cần thiết cho việc hòa giải, trừ những hoạt động vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội; Hòa giải viên thực hiện việc tiếp xúc riêng với mỗi bên tranh chấp (họp kín), họp chung với các bên một lần hoặc nhiều lần; Hòa giải viên có thể giải thích, phân tích… để giúp các bên hiểu đúng bản chất đối với vấn đề đang tranh chấp, tìm được giải pháp để giải quyết tranh chấp như thế nào là tốt nhất hoặc hiểu được hậu quả pháp lý nếu không thỏa thuận được v.v… để họ suy nghĩ, lựa chọn giải pháp, tự nguyện đưa ra thỏa thuận giải quyết tranh chấp, về yêu cầu ly hôn, thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính.

– Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật

– Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

– Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.

– Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quá trình hòa giải, đối thoại phải bảo đảm, quyền bình đẳng về giới, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, trường hợp phải chỉ định Hòa giải viên đối với vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi thì Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý của người dưới 18 tuổi.

Bảo mật thông tin

– Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

– Chỉ trong trường hợp có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin thì Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại mới được tiết lộ thông tin mà mình biết trong quá trình hòa giải, đối thoại.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng không được sử dụng lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc trừ các trường hợp:

+ Bên trình bày đồng ý sử dụng lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

+ Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

– Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng quy định nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định nêu trên thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021

Luật sư. Ths Nguyễn Thị Tươi

CÔNG TY LUẬT TNHH AILAW VÀ CỘNG SỰ

#luathoagiaidoithoaitaitoa #hoagiaitaitoaan #toaan

zalo
facebook