Phạm tội do hoang tưởng khi sử dụng ma túy có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

10Th5

Phạm tội do hoang tưởng khi sử dụng ma túy có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Người bị ngáo đá có các biểu hiện gần như giống với bệnh tâm thần phân liệt nhưng mức độ nguy hiểm hơn. Vậy phạm tội khi “ngáo đá” thì bị xử lý như thế nào?

Ngáo đá là trạng thái loạn thần do sử dụng ma túy đá. Người sử dụng loại ma túy này thường xuất hiện hoang tưởng, ảo giác và có chứng rối loạn hành vi. Những biểu hiện như trên dân gian gọi là ngáo đá.

Dưới góc độ pháp lý, ngáo đá là hậu quả của hành vi chủ động, có ý thức sử dụng chất ma túy. Vì vậy, pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì chưa có quy định cụ thể, riêng biệt cho trường hợp phạm tội trong tình trạng “ngáo đá”. Tuy nhiên, tại Điều 13 Bộ luật hình sự (BLHS) quy định về trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như sau: Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trên thực tế những người bị “ngáo đá” trước đó là những người bình thường, có năng lực trách nhiệm với các hành vi của mình. Việc họ mất năng lực, hạn chế năng lực là do họ sử dụng chất kích thích, gây ảo giác dẫn đến hiện tượng “ngáo đá”. Chính họ tự làm bản thân mình bị giảm sút, khó khăn hoặc mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Người phạm tội hoàn toàn ý thức được điều này, nên họ vẫn phải chịu trách nhiệm khi vi phạm  hoặc phạm tội trong tình trạng “ngáo đá”.

Trong thực tiễn, nhiều vụ án xét xử các trường hợp phạm tội khi “ngáo đá” đã cho thấy: Mặc dù Hội đồng giám định pháp y kết luận người phạm tội do hoang tưởng khi sử dụng ma túy, nhưng họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Phạm tội khi ngáo đá là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng?

Hiện nay, việc rối loạn tâm thần do dùng các chất kích thích mạnh như: ma túy đá, thuốc lắc… không thuộc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Tuy nhiên, Trong cấu thành của một số tội về vi phạm giao thông, việc sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác là tình tiết định khung tăng nặng tại:

– Điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

– Điểm b, khoản 2, Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường sắt.

– Điểm b, khoản 2, Điều 272 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường thủy.

Ths Ls. Nguyễn Thị Tươi – Công ty Luật TNHH Ali Law & Cộng sự

zalo
facebook