1. Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập khi nào?

Theo quy định tại Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản (CĐTS) của vợ chồng như sau:

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

2. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản 

Theo quy định tại Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng:

+ Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

+ Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

+ Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

+ Nội dung khác có liên quan.

– Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.

Đồng thời, xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP như sau:

– Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

+ Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

+ Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

+ Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

+ Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải phù hợp với quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Như vậy, nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm như: Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản…

3. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu

Theo Điều 50 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan;

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.

Như vậy, trong trường hợp nam chưa đủ 20 tuổi hoặc nữ chưa đủ 18 tuổi có thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng thì thỏa thuận này sẽ bị vô hiệu. Bởi một trong các bên chưa có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự.

Với quy định trên, nếu việc kết hôn bị tuyên bố hủy do vi phạm điều kiện về độ tuổi, hay điều kiện về sự tự nguyện thì thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng cũng bị tuyên bố vô hiệu theo.

(2) Vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

Các quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật HN&GĐ năm 2014 tạo thành một chế độ tài sản cơ sở mà dù là CĐTS thỏa thuận hay CĐTS theo luật định cũng phải tuân thủ. Vi phạm một trong các nguyên tắc này thì thỏa thuận về CĐTS sẽ bị tuyên bố vô hiệu.

Ví dụ:  nguyên tắc “vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”trong Luật hôn nhân và gia đình 2014. Nguyên tắc này rất quan trọng trong việc xác định sự bình đẳng của vợ chồng về quyền, nghĩa vụ trong gia đình. Theo đó, nếu trong thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng có quy định cho rằng “trong thời kỳ hôn nhân chỉ có người chồng là lao động có thu nhập cho nên mọi định đoạt về tài sản chung cần phải có ý kiến của người chồng” thì thỏa thuận đó sẽ vô hiệu.

(3) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 thì: “Nội dung của thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật HN&GĐ năm 2014 là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật HN&GĐ năm 2014 hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật HN&GĐ và pháp luật khác có liên quan quy định”.