Sửa đổi hay đơn phương chấm dứt Hợp đồng khi hoàn cảnh có sự thay đổi cơ bản

29Th3

Sửa đổi hay đơn phương chấm dứt Hợp đồng khi hoàn cảnh có sự thay đổi cơ bản

Hợp đồng dân sự được thiết lập hợp pháp thì có hiệu lực pháp lý ràng buộc các bên kể từ thời điểm giao kết và các bên không được tự ý sửa đổi hoặc hủy bỏ, chấm dứt. Những điều khoản được ghi nhận trong hợp đồng được xem như “luật giữa các bên”. Đây chính là yêu cầu mang tính bản chất của hiệu lực hợp đồng và là nội dung cơ bản của nguyên tắc hiệu lực bất biến (pacta sunt servenda) trong lĩnh vực hợp đồng. Nhưng quan hệ hợp đồng không phải là bất biến mà mang tính chất của một quá trình và hàm chứa nhiều loại nguy cơ, rủi ro. Thực tế, quá trình thực hiện hợp đồng, nhất là các hợp đồng dài hạn, những người làm kinh doanh thường phải đối mặt với những rủi ro, làm đảo lộn sự cân bằng vốn có của hợp đồng, làm cho một bên gặp khó khăn đặc biệt trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, thậm chí không thể thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng. Những trường hợp này có thể được giải quyết bằng cơ chế giải phóng nghĩa vụ của hợp đồng, như cho phép một trong các bên được chấm dứt hợp đồng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hoặc cho phép các bên thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) đã dành một điều luật để quy định về việc “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Đây là một quy định mới được bổ sung ở BLDS 2015. Việc bổ sung quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khi nào được coi là hoàn cảnh có sự thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng?

Theo Khoản 1 Điều 420 BLDS 2015 Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

(i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng phải có tính khách quan, tức là không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng. Ví dụ: bão, lũ, cháy, đình công, bạo động, có một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc một sự kiện khách quan diễn ra nằm ngoài sự kiểm soát của một bên… Điều kiện này có điểm tương đồng với các sự kiện được coi là “bất khả kháng”.

(ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Nghĩa là, sự thay đổi của hoàn cảnh nằm ngoài ý chí và khả năng tính toán trước của các bên. Quy định này cũng thể hiện tính khách quan của sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng.

(iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; Theo quy định này, sự thay đổi của hoàn cảnh thực hiện hợp đồng làm cho các bên không thể thực hiện được hợp đồng theo những điều khoản đã ký kết. Mức độ của sự thay đổi của hoàn cảnh có thể khiến cho việc giao kết hợp đồng sẽ không được diễn ra hoặc diễn ra với nội dung khác.

(iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; Nếu như không thay đổi nội dung của hợp đồng thì sẽ gây thiệt hại nghiêm trong cho một bên. Thiệt hại nghiêm trọng được đề cập ở đây được hiểu là nếu thiệt hại xảy ra, thì một trong các bên không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

(v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Đây là quy định nhằm xác định nghĩa vụ của bên bị ảnh hưỏng bởi sự thay đổi của hoàn cảnh thực hiện hợp đồng. Nếu như bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng thì bản thân họ cũng có nghĩa vụ ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh đến lợi ích của mình. Khi bên có lợi ích bị ảnh hưởng đưa ra yêu cầu chấm dứt hoặc thay đổi nội dung của hợp đồng thì phải chứng minh đầy đủ các điều kiện, đặc biệt phải chứng minh mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích từ sự thay đổi đó.

Nguồn ảnh: Internet

Một số ví dụ cho trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản như sau: 

Vụ việc thứ nhất, Công ty A là công ty kinh doanh bất động sản có lô đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất là “lâu dài”. Vì cần vốn để phục vụ sản suất kinh doanh của mình nên Công ty A đã chuyển nhượng lại lô đất này cho Công ty B (cũng là một công ty kinh doanh bất động sản). Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, Công ty B đã thanh toán được một phần giá trị hợp đồng, đến ngày cuối cùng của thời hạn thanh toán toàn bộ giá trị chuyển nhượng theo Hợp đồng thì Công ty B nhận được Công văn của Sở tài nguyên và môi trường tỉnh H (nơi có đất) gửi tới những người sử dụng đất có ghi sai thông tin thời hạn sử dụng đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến văn phòng Sở TN&MT để được hướng dẫn thủ tục đính chính lại thời hạn sử dụng đất từ “lâu dài” thành “50 năm”. Việc thay đổi thời hạn sử dụng đất làm thay đổi đáng kể giá trị của thửa đất dẫn đến giá trị chuyển nhượng cũng có thể bị thay đổi đáng kể.

Vụ việc thứ hai, Công ty X là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, Công ty X là chủ đầu tư của Dự án Khách sạn A. Công ty X đã ký hợp đồng tổng thầu xây dựng với Nhà thầu Y về việc xây dựng Khách sạn A . Thời hạn thực hiện là 18 tháng kể từ ngày Hợp Đồng có hiệu lực. Công ty X đã tạm ứng cho nhà thầu Y 25% giá trị hợp đồng để nhập vật tư, vật liệu chuẩn bị khởi công.  Nhà thầu đã mua sắm vật tư, vật liệu và thực hiện được một phần khối lượng thi công, thì Công ty X nhận được thông báo của Chính phủ về việc rút vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, theo đó Công ty phải chuyển nhượng Dự án Khách sạn A để thu hồi vốn đầu tư ngoài ngành. Việc chuyển nhượng dự án Khách sạn A dẫn đến việc thực hiện hợp đồng tổng thầu bị ảnh hưởng và đây cũng được xem là một tình huống hợp đồng có hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Hậu quả pháp lý khi có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể: Khoản 2 Điều 420 BLDS 2015 quy định: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý”.

Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản xảy ra, BLDS 2015 đã ghi nhận và trao quyền đàm phán lại hợp đồng cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng. Khi đó bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên còn lại sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng cho phù hợp với thực tế và cân bằng lợi ích của hai bên.

Với vụ việc thứ nhất, khi phát sinh sự việc thay đổi thời hạn sử dụng đất từ “lâu dài” thành “50 năm” công ty B có quyền yêu cầu đàm phán lại về giá trị hợp đồng, yêu cầu giảm giá chuyển nhượng cho phù hợp với giá trị thực tế của loại đất “50 năm” tại thời điểm chuyển nhượng.

Với vụ việc thứ hai, khi phát sinh sự việc yêu cầu chuyển nhượng dự án theo chủ trương của Chính phủ thì Công ty X có quyền đề nghị thỏa thuận lại nội dung Hợp Đồng sau khi Bộ Xây dựng hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển nhượng Dự án hoặc các bên có quyền thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Khi các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng.

Pháp luật không quy định thời gian cụ thể để các bên đàm phán lại hợp đồng, chỉ khi các bên không đạt được sự thỏa thuận thì mới nhờ Tòa án can thiệp, tức là các bên phải nỗ lực đàm phán, thỏa thuận chỉnh sửa, bổ sung điều khoản hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh mới, chỉ khi nào các bên không đạt được sự thống nhất thì mới được nhờ Tòa án giải quyết.

Khi đó theo Khoản 3 Điều 420 BLDS 2015: Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án: (i) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; (ii) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Như vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản chỉ xảy ra khi có Quyết định của Tòa án, một trong các bên không thể tự ý chấm dứt và cũng không phải cứ có yêu cầu là Tòa án sẽ cho chấm dứt hợp đồng. Việc can thiệp này là cần thiết bởi nó như “sợi dây trói buộc” mà bên bị ảnh hưởng sẽ mong muốn được “giải thoát” và “chỉ” Tòa án mới có khả khả năng “giải phóng” cho họ.

Một vấn đề cần lưu ý là trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Khoản 4 Điều 420 BLDS 2015). Có nghĩa rằng trừ khi các bên có thỏa thuận về việc ngừng thực hiện hợp đồng, nếu không, các bên vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng đã xác lập trước đó trong suốt quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng và ngay cả trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Điều 420 BLDS 2015.

Quy định về thực hiện hợp đồng khi có sự thay đổi cơ bản tại Điều 420 BLDS 2015 là một quy định mới đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các bên trong thực tế thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề liên quan chưa quy định rõ dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn, ví dụ như:

Thứ nhất, về quyền đàm phán lại hợp đồng và thời gian để yêu cầu đàm phán lại hợp đồng.

Pháp luật quy định cho phép bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền được yêu cầu đàm phán lại hợp đồng trong khoảng thời gian hợp lý. Tuy nhiên BLDS chưa quy định cụ thể bên nhận được yêu cầu đàm phán lại có bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ đàm phán lại hay không và khoảng thời gian hợp lý là bao lâu?. Có nên hay không việc mặc nhiên thừa nhận quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia để phù hợp với nguyên tắc trung thực, thiện trí là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự. Bởi nếu như bên nhận được yêu cầu đàm phán lại không bắt buộc phải đàm phán thì hầu như các trường hợp bên không có lợi ích bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh thay đổi đều không muốn đàm phán lại.

Về vấn đề khoảng thời gian hợp lý thì cơ quan tư pháp có nên ban hành hướng dẫn về tần xuất hay một khoảng thời gian xác định cụ thể hay không bởi nó có liên quan rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng.

Thứ hai, điều kiện để được tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản xuất hiện.

Khoản 4 Điều 420 BLDS 2015 quy định: “trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Có vẻ như quy định này không hợp lý, và trong một số trường hợp, quy định này đang làm khó cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng nếu như bên còn lại không đồng ý tạm ngừng thực hiện Hợp đồng, trong khi việc tiếp tục thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản có thể gây ra tổn thất rất lớn về kinh tế cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng. Ngược lại, bên không có lợi ích bị ảnh hưởng có thể lợi dụng để thu lợi và bảo vệ lợi ích của riêng mình mà không màng đến sự khó khăn của bên kia, và trong quá trình giải quyết, bên có lợi ích ảnh hưởng có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không. Chúng ta có thể “tận dụng” quyền hạn và trách nhiệm để tạo hướng mở giúp Tòa án có thể bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tốt hơn bằng việc cho phép Tòa án có thể căn cứ vào tình hình thực tế đang diễn ra mà quyết định cho tạm ngừng thực hiện hợp đồng đến khi có quyết định cuối cùng của Tòa án, chứ không chỉ dựa vào thỏa thuận giữa các bên.

Thứ ba, sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng.

“Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng”. Từ “chỉ” rất dễ gây ra sự “lạm quyền” và “tùy tiện”, đồng thời đặt ra gánh nặng trong việc áp dụng thực tế, bởi việc xác định thiệt hại “trong trường hợp chấm dứt hợp đồng” và xác định “chi phí để thực hiện hợp đồng” là các vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn, không phải người xét xử nào cũng có đủ hiểu biết và trình độ để tính toán, đặc biệt là với các hợp đồng trong các lĩnh vực có tính đặc thù cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin,… Hơn nữa, ngay cả khi Tòa ra quyết định sửa đổi hợp đồng, thì việc sửa đổi các điều khoản cụ thể có được đặt trong chừng mực nào không, hay hoàn toàn dựa trên ý kiến chủ quan của người xét xử. Và, cùng vấn đề đang bàn đó là nếu Tòa án quyết định cho chấm dứt hợp đồng mà cả hai hoặc chỉ một bên trong quan hệ hợp đồng đó vẫn muốn tiếp tục tức là đã khác với quyết định của Tòa án thì giải quyết thế nào?

Thứ tư, trong trường hợp tòa án cho chấm dứt hợp đồng hay sửa đổi hợp đồng quyền và nghĩa vụ các bên được giải quyết như thế nào?

Bộ luật dân sự 2015 chưa có quy định về giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, quyền và nghĩa vụ của các bên giải quyết như thế nào. Vấn đề này cần được giải thích cụ thể hơn để đảm bảo việc áp dụng trong thực tiễn.

Đối với vụ việc thứ nhất, nếu cho phép điều chỉnh lại hợp đồng thì Bên Bán không được bán Quyền sử dụng đất với giá trị đã thỏa thuận trước đó mà các bên sẽ áp dụng mức giá mới phù hợp với hình thức sử dụng đất ở thời điểm giải quyết tranh chấp.

Đối với vụ việc thứ hai, tòa án cho phép chấm dứt hợp đồng thì lúc này nhà thầu sẽ phải hoàn trả lại cho chủ đầu tư tiền tạm ứng hợp đồng sau khi trừ đi phần công việc mà các nhà thầu đã thực hiện.

Thứ năm, về cơ chế giải quyết tranh chấp khi các bên đàm phán lại không thành công.

Điều 420 BLDS 2015 quy định chỉ Tòa án mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Quy định này đã bó hẹp chủ thể giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và còn gây mâu thuẫn với quy định của Luật Trọng tài thương mại, cụ thể, Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Với quy định này, Tòa án sẽ phải từ chối giải quyết khi các bên đã có thỏa thuận Trọng tài nên Tòa án không thể áp dụng các quy định tại Điều 420 BLDS để cho các bên sửa đổi hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định. Do vậy, các nhà làm luật cần quy định mở rộng theo hướng Trọng tài cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản xuất hiện trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Ths. Luật sư Nguyễn Thị Tươi 

#BLDS2015 #donphuongchamdut#hoancanhthaydoi #thuchien #hopdong #alilaw #dansu

zalo
facebook